Trẻ nhỏ bị sốt có nên cạo gió?
Cạo gió là phương pháp chữa bệnh cảm lạnh trong dân gian đã có từ lâu đời. Những người có triệu chứng như mệt mỏi, sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, nhức mỏi chân tay, đau bụng… được coi là bị trúng gió (gió độc). Do đó, mục đích cạo gió là nhằm làm cho gió độc thoát ra khỏi cơ thể. Khi có bệnh người ta thấy thân thể mệt mỏi rã rời nếu được cạo gió sẽ thấy tinh thần sảng khoái và dễ chịu khác thường.
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ với Zing cho biết, cạo gió thực chất có dựa theo học thuyết âm dương, kinh lạc trong y học cổ truyền để phòng và chữa trị bệnh tật. Phương pháp này chỉ được sử dụng thực sự thích hợp khi bị cảm mạo, bao gồm cả cảm mạo thông thường và cảm mạo dịch, tức cảm cúm, bệnh cúm.
Tuy nhiên, cạo gió, đánh cảm không áp dụng với trẻ nhỏ. Bởi phương pháp này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tử vong.
Da của trẻ rất non và mỏng nên rất dễ xung huyết, khí huyết cũng rất yếu sẽ không chịu được nhiệt độ cao khi cạo gió. Để tránh các tai biến không đáng có, bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không tiến hành phương pháp này với trẻ em.
Ngoài ra, đối với trẻ nhỏ, các giai đoạn diễn biến của bệnh xảy ra tương đối nhanh. Nếu không theo dõi sát sao các biểu hiện triệu chứng để có phương án điều trị kịp thời sẽ xảy ra nguy cơ biến chứng cao, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.